BÚP BÊ DARUMA NHẬT BẢN VÀ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT
Người Nhật Bản có câu thành ngữ: nanakorobi yaoki (7 lần vấp ngã, 8 lần đứng lên). Đó cũng chính là ý nghĩa sâu xa của búp bê Daruma mà ít ai biết.
Búp bê Daruma được coi là “thần may mắn” bên cạnh chú Mèo Thần Tài Maneki Neko trong văn hóa người Nhật. Daruma được xem là quà nhỏ xinh xắn thể hiện cho ý chí và tinh thần người Nhật tặng nhau trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật.
Daruma thực sự là một trong những biểu tượng của Nhật Bản. Nhưng không chỉ đáng yêu và đặc sắc, con búp bê này còn đại diện cho một nhân vật huyền thoại, có lịch sử lâu đời, di sản phong phú và nguồn gốc đặc biệt.
Nguồn gốc của búp bê Daruma
Daruma (ダルマ) phát âm của tiếng Nhật từ chữ Dharma tiếng Phạn, đây được coi là cách gọi giản lược của từ Bodhidharma (Bồ-đề Đạt-ma), tên vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ Bồ Đề Đạt Ma, người đã sáng lập ra Thiền phái trong Phật giáo chính tông.
Theo tài liệu cổ ghi lại khoảng năm 520, Thiền tông đến Trung Quốc giảng đạo, Sau 19 ngày thuyết pháp không ai lãnh hội được Ngài đã vượt sông Dương Tử lên chùa Thiếu Lâm quay mặt vào vách núi tọa thiền, im lặng không nói lời nào đến chín năm thì có người thừa kế.
Người Nhật cho rằng tay và chân của Bồ Đề Đạt Ma đã teo đi sau quá trình ngồi thiền suốt 9 năm trên núi Tung Sơn. Búp bê Daruma được tạo hình mô phỏng theo dáng ngồi thiền của Bồ Đề Đạt Ma và chúng đều không có tay chân.
Sự ra đời của búp bê Daruma
Búp bê may mắn Nhật Bản ra đời vào thời đại Edo (1603 – 1867) vị trụ trì có tên Shinetsu tại chùa Daruma-ji (達磨寺) đã vẽ hình Bodhidarma ngồi thiền vào mỗi năm mới. Người ta cho đó là sự khởi đầu của búp bê Daruma ở Taksaki.
Đến cuối thế kỉ thứ 18, Yamagata Goro đã làm búp bê Daruma đầu tiên dựa theo gợi ý từ ngài Togaku và sau đó phủ giấy bồi lên. Tới thời Minh Trị, người dân Nhật dùng búp bê Daruma để cầu chúc cho một vụ mùa thu được nhiều sợi tơ tằm. Ngày nay, búp bê Daruma trở thành nhu cầu không thể thiếu để cầu mong thành công trong kinh doanh.
Thiết kế của búp bê Daruma Nhật Bản
Búp bê Daruma được các nghệ nhân Nhật Bản làm thủ công bằng giấy bồi truyền thống, có hình dạng tròn, rỗng và nặng ở phía dưới. Tư thế ngồi kiết già hình hoa sen theo thế ngồi thiền của Bodhidharma. Râu và lông mày của Daruma được vẽ lại trông giống như lông mày trên khuôn mặt của Bồ Đề Đạt Ma. Lông mày được vẽ theo hình cánh hạc, râu được thiết kế giống hình con rùa. Hai loài sinh vật này đều đại diện cho tuổi thọ. Người Nhật có câu: “Con hạc sống 1.000 năm, con rùa sống 10.000 năm”.
Búp bê Daruma không bao giờ bị ngã tượng trưng cho ý chí kiên cường, không bao giờ gục ngã trước khó khăn của người Nhật.
Sau nhiều lần biến tấu, Daruma hiện nay được gọt giũa và trông như một con lật đật tròn trải qua 18 bước thủ công vô cùng công phu, tỉ mỉ và vất vả, đặc biệt không có búp bê Daruma nào giống nhau như đúc.
Nói về việc sản xuất loại búp bê truyền thống này, ông Hirohisa Imai là thế hệ thứ 4 trong một gia đình có truyền thống làm búp bê Daruma ở Takasaki cho biết: “Hiện nay, tôi đang áp dụng công nghệ vào việc thiết kế và sản xuất loại búp bê truyền thống này. Nhờ vào việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, tôi có thể tạo ra được sản phẩm đẹp hơn và số lượng nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng đây là những điều tốt nhất tôi có thể làm. Đó là sự sáng tạo của chúng tôi trong việc sản xuất búp bê Daruma truyền thống”.
Nét đặc trưng dễ thấy của búp bê Daruma là chúng hoàn toàn không có tròng mắt. Một ý nghĩa sâu xa khác liên quan tới việc người Nhật tạo ra những con búp bê Daruma để chúng theo dõi mục tiêu và đốc thúc họ thực hiện nhiệm vụ đó trong năm. Khi mua búp bê Daruma về, người Nhật sẽ dùng bút lông vẽ lên một bên mắt búp bê Daruma để thể hiện lòng quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra. Khi mục tiêu đã được hoàn thành, họ sẽ vẽ nốt bên mắt còn lại.
Các ký tự Kanji trên người búp bê có thể là "may mắn", "tài lộc" và "kiên trì", đôi khi chúng được viết dưới mặt Daruma.
Màu sắc phổ biến nhất của búp bê Daruma là màu đỏ, bắt nguồn từ màu áo đỏ của Bồ Đề Đạt Ma. Một truyền thuyết khác lại kể rằng, màu đỏ của búp bê Daruma có thể liên quan tới giai đoạn xa xưa khi dịch đậu mùa hoành hành tại Nhật Bản. Người dân khi đó bắt đầu mặc các trang phục màu đỏ để yên lòng các vị thần và giúp đẩy lùi dịch bệnh. Những con búp bê Daruma được coi như lá bùa giúp xua đi bệnh tật và là biểu tượng của sự hồi phục. Mặc dù màu đỏ là nổi tiếng nhất nhưng Daruma có thể mang nhiều màu khác nhau tùy thuộc vào mong ước. Chẳng hạn, màu vàng tượng trưng cho tài lộc, màu đen là để xua đuổi tà vận, màu xanh lục là sức khỏe.
Sau một năm kể từ khi mua búp bê Daruma, người Nhật mang búp bê về ngôi chùa họ đã mua nó và thực hiện nghi thức đốt búp bê Daruma, dù điều ước của họ đã thành hiện thực hay chưa. Một số ngôi chùa tại Nhật Bản tổ chức nghi lễ daruma kuyo hay dondoyaki, tại đó hàng cột búp bê Daruma được đốt cùng lúc.
Ý nghĩa của búp bê Daruma
Búp bê Daruma là hiện thân con người Nhật Bản. Sức bật mỗi khi gục ngã, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước thể hiện sự quyết tâm và lòng kiên địnhk hông bao giờ chịu đầu hàng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Búp bê Daruma là biểu tượng của sự may mắn. Daruma được bán vào dịp lễ tết trong chùa, người Nhật thường đặt búp bê Daruma tại những vị trí trang trọng tại nơi làm việc để cầu mong cho làm ăn phát đạt hoặc đặt vị trí ngang với bàn thờ Phật để cầu mong sự thành công.
Vào mùa thi cử, búp bê Daruma được tặng kèm các sĩ tử với lời chúc may mắn, do đó Daruma trở thành vật kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh. Cuối năm, người ta thường mang ra chùa để bày tỏ sự thành kính để thần linh biết người đó đã giữ trọn mong ước và khi mong ước thành hiện thực thì họ vẽ nốt con người thứ hai.
Món quà lưu niệm quen thuộc của Nhật Bản này chắc chắn đã trải qua nhiều lần thay đổi và diễn giải suốt lịch sử. Nó được coi như một vị thần có thể giúp đạt được thành công. Nó đại diện cho một trong những khía cạnh quan trọng nhất của Thiền Tông liên quan đến sự nhẫn nại, kiên trì và hy sinh.
Mặc dù Nhật Bản sở hữu một nền văn hóa rất thú vị và vô cùng phong phú về biểu tượng và truyền thống, nhưng rất ít hình ảnh khác của đất nước này có thể sánh ngang về nguồn gốc và ý nghĩa đa dạng, đi sâu vào xã hội như Daruma.
Hãy cùng Hanoitourist đến Nhật Bản để khám phá thêm nhiều nét văn hóa độc đáo nhé!
Viết bởi: Nguyễn Hoàng Lan
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp