CẨM NANG DU LỊCH HÀ GIANG

16/05/2024 15:24:11 | Xem: 127
Thời gian đọc: 1 phút

Hà Giang là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc giáp Trung Quốc. Các cung đường Hà Giang quanh co, cheo leo vốn đầy thách thức cho người lái xe. Thế nhưng khi bạn phóng tầm mắt xung quanh, căng thẳng nhường lại chỗ cho cảm giác thư thái khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao nguyên.

Hà Giang mùa nào đẹp?

Là tỉnh miền núi cao nên khí hậu ở Hà Giang lạnh rõ rệt so với vùng thấp và trung du kế cận. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21-23 độ C. Nét nổi bật của khí hậu là độ ẩm cao trong năm, mưa nhiều và kéo dài.

Bạn có thể du lịch Hà Giang vào bất kỳ mùa nào trong năm. Người ta thường đến Hà Giang vào mùa thu lúa chín vàng. Thời gian đẹp nhất là tháng 10, 11 và 12, khi hoa tam giác mạch hay những cánh đồng cải khoe sắc. Còn mùa xuân, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng khiến bạn như đang bồng bềnh trên mây.

Tháng 5, những thửa ruộng lấp loáng mùa nước đổ. Tháng 6 và tháng 7, nhiều người bỏ lỡ Hà Giang vì những cơn mưa hè réo rắt bất chợt. Nhưng cũng nhờ sự ẩm ướt này, núi rừng nơi đây lại khoác lên mình một màu xanh mướt say đắm lòng người.

Di chuyển

Đến Hà Giang từ các tỉnh miền Bắc rất dễ dàng vì có nhiều nhà xe chạy thẳng. Ngược lại với những du khách ở xa trong miền Nam hoặc miền Trung thì nên bắt đầu hành trình từ Hà Nội. Từ Hà Nội, hầu như giờ nào cũng có xe khách xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm.

Du khách có thể chọn xe giường nằm hoặc xe limousine chất lượng cao, tùy theo tài chính. Tuy vậy, bạn nên di chuyển bằng xe khách đêm để tiết kiệm được thời gian, giữ sức cho chuyến hành trình khám phá dài. Giá vé xe từ Hà Nội đến Hà Giang và ngược lại dao động 200,000 – 300,000 đồng một lượt.

Khi đến TP Hà Giang, bạn có thể thuê xe máy tự túc du ngoạn với giá 150,000 – 300,000 đồng một xe trong ngày. Ngược lại nếu không đủ thời gian và sức khỏe, hoặc đoàn có người già và trẻ nhỏ thì bạn nên thuê ô tô dịch vụ 7 - 16 chỗ.

Tham quan gì ở Hà Giang
Đèo Mã Pì Lèng – một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi đất Bắc

Nổi tiếng là một trong những cung đèo hiểm trở và cao nhất Việt Nam, nằm trong danh sách tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc cùng với đèo Ô Quy Hồ, đèo Pha Đin và đèo Khau Phạ. Trong đó khu vực đỉnh đèo cao 1.500, độ cao trung bình của toàn cung đèo dài 20km này dao động trong khoảng 1.200 – 1.400 m so với mực nước biển. Đèo còn có hai tên gọi khá phổ biến khác là Mả Pì Lèng và Mã Pỉ Lèng (theo cách đọc của người Mông) – nơi đây cũng được mệnh danh là vua của các cung đèo.

Đây là cung đèo nối liền đường Hạnh Phúc, thành phố Hà Giang đến các huyện miền núi thuộc khu vực địa đầu của tổ quốc như: Mèo Vạc, Đồng Văn. Đặc biệt, đèo Mã Pí Lèng cũng là một trong những cung đèo đẹp nhất nhì mảnh đất hình chữ S khi sở hữu view thung lũng và dòng sông Nho Quế hiền hòa trong xanh.

Cột cờ Lũng Cú

Cột cờ Lũng Cú nằm trên vùng đất địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, nơi đã cùng đất nước trải qua bao thăng trầm. Mang những giá trị thiêng liêng, cột cờ luôn mang đến cho du khách những xúc cảm vô cùng đặc biệt trong hành trình khám phá mảnh đất Hà Giang xinh đẹp.

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang sừng sững trên đỉnh ngọn núi, cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay, mang theo niềm tự hào dân tộc. Cột cờ còn là điểm neo đánh dấu sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Dinh thự Vua Mèo

Dinh thự Vua Mèo được xây dựng vào những năm 1898, bởi những người thợ Vân Nam, Trung Quốc chung tay với những đồng người của dân tộc Mông và được khánh thành 1907. Dinh thự này tiêu tốn của “Vua Mèo” với số tiền là 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương tương đương 150 tỷ VNĐ cho khoảng 1200m2. Lịch sử lâu đời cùng với nét văn hóa đặc trưng của người Mông, kiến trúc này đã được bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia vào 1993.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Có niên đại khoảng 550 triệu năm, cao nguyên đá trải qua 7 thời kỳ địa chất này được UNESCO công nhận là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á. Bản hùng ca từ đá tại đây được tạo ra bởi 11 hệ tầng, với các loại đá đủ hình thù, xếp nối tiếp tạo thành một công trình độc nhất vô nhị đầy độc đáo.

Sông Nho Quế

Khi chưa có Công trình thủy điện Nho Quế, vực hẻm này khá sâu và ít được khám phá bởi cảm giác nguy hiểm khi đến gần. Nơi đây thường được chỉ được người dân đến đánh bắt cá. Tuy nhiên khi đập thủy điện được xây dựng, dòng nước chảy hiền hòa hơn thì du lịch sông Nho Quế đã trở thành một điểm sáng của vùng cao nguyên đá Hà Giang.

Giữa vùng núi non trùng điệp đầy hiểm trở, dòng sông Nho Quế giống như một dải lụa hiền hòa, chảy êm đềm giữa những vách đá, tạo thành một đường “biên giới” xanh biếc giữa đèo Mã Pí Lèng và đường Săm Pun.

Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp sông Nho Quế – hẻm Tu Sản là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam, sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng Kiến tạo độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Vị xuyên 1988

Được ví là "lò vôi thế kỷ"- nơi chiến trường ác liệt bảo vệ biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989) với lời thề “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.

Lễ hội hoa tam giác mạch

Người ta thường nói tháng 10 rủ nhau lên xem hoa tam giác mạch, chính vì lẽ đó mùa hoa tam giác mạch nở rộ hàng năm rơi vào khoảng đầu tháng 10 và tháng 11 dương lịch. Đó là một khoảng thời gian đủ dài để bạn có thể thu xếp công việc để tới đây.

Bên cạnh đó vào dịp tháng 4-5 cũng có hoa nở trái vụ màu trắng, bạn cũng có thể tới vào thời điểm này. Tuy Hà Giang không phải là địa điểm duy nhất có hoa tam giác mạch nhưng Hà Giang chính là nơi tam giác mạch nhiều nhất cùng với lễ hội tam giác mạch nổi tiếng.

Chợ tình Khau Vai

Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành “Khâu Vai”. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Lưu. Chợ được tổ chức duy nhất một ngày trong năm đó là ngày 27/03 âm lịch tại bản Khau Vai, xã Khau Vai, tỉnh Hà Giang. Cách thành phố Hà Giang khoảng 180 km nằm về phía cuối con đường đèo. Theo một số tài liệu ghi chép còn sót lại thì chợ đã tồn tại được khoảng hơn 100 năm nay bắt đầu từ năm 1919. Điểm độc đáo tạo nên sự nỗi tiếng có một không hai của chợ tình Khau Vai khi nơi đây không đơn giản chỉ là chợ hội họp, buôn bán đồ mà là nơi gặp gỡ, giao lưu của các chàng trai, cô gái.

Đặc sản Hà Giang

Đến vùng đất Hà Giang, bạn đừng bỏ qua món bánh cuốn trứng với lớp bột ướt mỏng tang, bên trong là màu đỏ lòng đào của trứng, đặc sản của mảnh đất địa đầu tổ quốc.

Một món ăn khác nên thử là cháo ấu tẩu được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ, củ ấu được ninh kỹ với nước hầm chân giò béo ngậy cùng các loại rau thơm.

Cháo ấu tẩu không chỉ là món ăn đơn thuần, mà còn là vị thuốc bổ giải cảm. Cháo ấu tẩu được nấu từ gạo nếp nương, chân giò lợn và củ ấu tẩu. Củ ấu tẩu mang về rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo một đêm sau đó đem ninh chừng 4 tiếng cho mềm và bở tơi. Sau đó phần thịt được trộn với gạo và nấu trong nước ninh từ chân giò lợn. Củ ấu tẩu rất độc nên phải chế biến kỹ, ăn giải rượu, chống đau nhức xương khớp.

Bánh chưng gù

Là đặc sản của Hà Giang, được gói bằng tay, phần vỏ bánh có màu xanh hoặc đen tùy loại gạo. Bánh có màu xanh thì phần gạo được trộn với là giềng, bánh đen thì dùng gạo cẩm. Nhân có cả thịt nạc và mỡ. Bánh được vài gia đình ở thành phố Hà Giang gói hàng ngày, nhưng phải đặt trước vì số lượng có hạn. Mỗi chiếc bánh giá từ 17,000 đồng.

Thắng dền

Món thắng dền ở Đồng Văn trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đỗ.

Thắng cố

Không phải là món ai cũng ăn được nhưng là món đặc sản của Tây Bắc với mùi thơm của thảo quả, hạt dổi, củ sả với vị béo ngậy của thịt.

Bánh tam giác mạch

Là loại bánh đặc trưng của người Mông vùng cao nguyên đá. Quá trình làm bánh nhiều công đoạn, hạt mạch thu hoạch về phơi khô rồi đem xay đến khi mịn đều, sau đó hòa bột chung với nước rồi đúc thành các miếng bánh có hình tròn dẹt, cho vào khuôn rồi đem đi hấp chín. Khi ăn bỏ ra nướng hoặc rán. Bánh có vị thơm, ngọt nhẹ, hơi sạn.

Cơm Lam Bắc Mê

Cơm lam Bắc Mê dần trở thành một đặc sản đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày. Khi thưởng thức, cơm lam có mùi thơm phức quyện cùng với lá chuối và ống nướng, ăn cùng với muối vừng hay ăn cùng cá suối nướng sẽ thật thú vị.

Mua gì làm quà ở Hà Giang?

Cam Hà Giang ngon nức tiếng với những trái chín mọng mang hương vị riêng biệt, ngọt ngào là món quà mà bất kỳ du khách nào cũng muốn mang về cho người thân, bạn bè.

Lạp xưởng gác bếp được làm từ loại thịt nửa nạc nửa mỡ được ướp muối, đường, bột ngọt, rượu trắng, nước gừng và một ít quả mắc mật khô xay nhỏ ướp cùng ám mùi khói bếp với mùi thơm đặc trưng khiến bạn ăn một lần mà nhớ mãi.

Cứ tới độ tháng 9 tới tháng 12 Âm lịch là thời điểm thu hoạch mật ong bạc hà trên vùng Cao nguyên đá. Dọc quốc lộ 4C đi các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc du khách dễ dàng gặp các lán nuôi ong và đang khai thác mật ong tại chỗ. Mật ong đặc trưng có màu vàng chanh, thơm đậm, ngọt thanh mát như bạc hà.

Với khung cảnh đẹp như mơ và nhiều trải nghiệm thú vị, Hà Giang là cái tên nhất định phải có trong bản đồ du lịch của bạn.

Liên hệ ngay Hanoitourist thôi nào!

https://hanoitourist.vn/tour-ha-giang-lung-cu-song-nho-que-thac-ban-gioc-dong-nguom-ngao-pac-bo-ho-ba-be

Viết bởi: Nguyễn Hoàng Lan

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

Chia sẻ bài viết

Tour mới nhất