ĐI NHẬT BẢN DỄ DÀNG (PHẦN 2)
Hãy ghi nhớ những lời khuyên về cách cư xử của người Nhật này để có trải nghiệm du lịch Nhật Bản dễ dàng hơn
Các quy tắc của người Nhật khá khó nhớ, từ cách ứng xử trên bàn ăn hay khi đi tàu. Sau đây là những điều nên làm và không nên làm khi đến Nhật Bản, giúp bạn dễ dàng hòa nhập với người dân địa phương.
Quy tắc trong ăn uống
Câu nói thường xuyên dùng trong các bữa ăn ở Nhật Bản là “Itadakimasu” - mọi người sẽ nói câu này trước khi ăn và nó có nghĩa rằng “tôi rất biết ơn vì bữa ăn này”. Ngoài ra, “Gochisosama desu” là câu dùng để nói sau khi ăn xong, dịch nôm na là “xin cảm ơn về bữa ăn”. Một số điều cần lưu ý là bạn không nên để thừa thức ăn hay xin mang thức ăn thừa về vì điều này thường không được chấp nhận. Khi đi ăn với nhóm, mọi người thường không bắt đầu ăn cho đến khi tất cả mọi người đều có thức ăn trước mặt và bạn nên lịch sự hỏi những người còn lại trước khi có ý định ăn miếng cuối cùng của món ăn nào đó trên bàn. Đây đều là những quy tắc rất phổ biến khi ăn uống theo nhóm ở Nhật Bản.
Cách ăn sushi
Sushi ở Nhật Bản thường được ăn theo hai cách:
Miền tây Nhật Bản (Osaka, Hiroshima...) dùng đũa
Miền đông Nhật Bản (Tokyo) dùng tay
Tuy nhiên, đây không phải là quy tắc nghiêm ngặt. Nhiều người Nhật sẽ sử dụng cả hai phương pháp để ăn tuỳ thuộc vào tình huống.
Bạn không nên chấm cơm Sushi trực tiếp vào nước tương mà chỉ chấm phần cá ở trên mà thôi.
Bạn cũng không nên trộn trực tiếp Wasabi vào nước tương. Các quy tắc này chỉ nghiêm ngặt tại các nhà hàng Sushi cao cấp, đối với các nhà hàng băng chuyền thì có phần dễ dàng hơn.
Ăn mì
Nhật Bản nổi tiếng với các món mì rất ngon, đáng để ăn thử như: Ramen, Udon, Soba... Tại các cửa hàng, thực khách sẽ húp nước dùng khi họ ăn mì - đây là việc rất bình thường. Hãy nhớ rằng, bạn không nên góp ý về cách ăn của người dân địa phương và cũng không nên nghĩ rằng mình phải húp nước dùng giống như họ.
Tương tác hàng ngày
Nhìn chung, người Nhật thường ít có tiếp xúc cơ thể với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Những tiếp xúc cơ thể này gồm có bắt tay, ôm, hôn hay các cách thể hiện tình cảm công khai khác. Dù tiếp xúc cơ thể không bị cấm hoàn toàn nhưng hãy chú ý đến cách mọi người xung quanh bạn đang tương tác với nhau để biết được mức độ thân mật phù hợp. Trong hầu hết các tình huống, cúi đầu chào lịch sự là một sự lựa chọn hợp lý.
Các cụm từ hữu ích
“Sumimasen” có nghĩa là “xin lỗi”, tuỳ thuộc vào ngữ cảnh mà đôi khi được dùng khi muốn gọi, làm phiền người khác hoặc thậm chí dùng để cám ơn. Tuy nhiên, câu cám ơn trong tiếng Nhật đúng ra phải là "Arigatou Gozaimasu" - hãy sử dụng nó khi bạn muốn cám ơn một ai đó hay một điều gì đó. Ngoài ra, đừng bất ngờ khi nghe thấy câu "Yoroshiku Onegaishimasu" vì câu này được dùng khi muốn nhờ vả ai đó một điều gì hoặc dùng để chào khi mới gặp nhau.
Cởi giày dép
Thông thường, các gia đình Nhật Bản sẽ mong muốn khách tháo bỏ giày dép để ở ngoài cửa trước khi bước vào nhà. Ngoài ra, theo phép lịch sự bạn nên nói “Ojamashimasu” khi bước vào, với ý nghĩa “xin lỗi vì đã vào nhà của bạn”. Nhiều nhà hàng kiểu Nhật, chùa chiền, suối nước nóng... cũng có chính sách không cho mang giày dép vào, vì vậy hãy luôn kiểm tra thông tin cần thận nhé.
Phương tiện công cộng
Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, bạn chỉ nên đi nhẹ nói khẽ chứ không nên nói điện thoại to tiếng hay làm ồn gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Cách lịch sự khi đi tàu là bạn phải xếp hàng ở hai bên của cửa tàu, đợi hành khách xuống tàu trước rồi mới lần lượt đi lên tàu theo thứ tự. Ngoài ra, bạn nên nhường ghế cho người lớn tuổi, phụ nữ có thai hoặc người bị khuyết tật.
Trang bị một số KỸ NĂNG NGÔN NGỮ CƠ BẢN để chuyến đi của bạn thuận lợi hơn
Hãy học một vài cụm từ tiếng Nhật thông dụng để chuyến đi có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Dưới đây là danh sách một vài cụm từ cơ bản dùng để giao tiếp, chào hỏi và hỏi đáp đơn giản bằng tiếng Nhật.
Đăng bởi: Nguyễn Hoàng Lan
Nguồn: JNTO - Tổng cục du lịch Nhật Bản