Ginevra de' Benci quyến rũ của Leonardo Da Vinci
Thoạt nhìn bức tranh này có thể khiến bạn nghĩ tới 1 phiên bản khác của nàng Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo Da Vinci. Nhưng sự thật là Leonardo đã vẽ Ginevra de' Benci từ hơn 20 năm trước khi tạo nên Mona Lisa. Cùng Hanoitourist khám phá lý do tại sao Ginevra lại mang tính cách mạng trong lịch sử hội họa.
Leonardo tạo ra bức chân dung này ở độ tuổi hai mươi. Người nghệ sĩ mới chớm nở đã bắt đầu thử nghiệm 1 chất liệu mới – sơn dầu.
Khuôn mặt của cô được mô phỏng bằng các tầng lớp bóng tối đổ dần, nhưng Leonardo hoàn toàn không sử dụng đường nét hoặc sự chuyển đổi đột ngột của màu sắc và ánh sáng.
Một trong những người cùng thời với họa sĩ đã viết rằng anh ấy đã vẽ cô ấy “hoàn hảo đến mức dường như đó không phải một bức chân dung, mà chính là Ginevra.”
Tư thế của Ginevra cũng là một sự đổi mới: cô ấy được thể hiện trong tư thế ba phần tư, nằm giữa góc nhìn nghiêng và góc nhìn chính diện. Đây chính là một trong những chân dung nhìn ba phần tư đầu tiên ở Ý.
Báo chí và các công trình nghiên cứu ghi lại rằng, để vẽ được góc nghiêng này, danh họa Leonardo đã lấp đầy các trang giấy của mình bằng các hình vẽ về tất cả mọi người mà ông gặp hoặc nhìn thấy.
Tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia (Washington D.C) có lưu lại một trong số các bản vẽ phác thảo của Leonardo trong quá trình “rèn luyện” để tạo nên Ginevra.
Leonardo đã sử dụng một kĩ thuật gọi là “pouncing – nảy” để chuyển bức vẽ Ginevra sang một tấm gỗ. Danh họa đã chọc các lỗ dọc theo đường nét của bức vẽ, sau đó đặt lên trên một tấm bảng, tiếp theo ông chà phấn đen lên các lỗ trên tấm gỗ.
Sau này khi nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật của Leonardo, người ta đã soi Ginevra dưới đèn hồng ngoại và phát hiện ra các chấm từ nghệ thuật “pouncing” này.
Ginevra là khởi đầu cho cách vẽ đổi mới cho nền hội họa thời đó. Bởi vào thời điểm đó, chân dung phụ nữ luôn được miêu tả từ bên trong, phong cảnh chỉ thoáng qua ví dụ như qua một cánh cửa sổ đang mở hờ… Nhưng thay vào đó, Leonardo lại đặt Ginevra ở ngoài trời. Toàn bộ phong cảnh đều được vẽ xa xa với tông màu xanh xám nhẹ nhàng. Danh họa tin rằng mắt chúng ta nhìn rõ được các vật thể ở xa nếu chúng hiện hữu hòa cùng với màu xanh lam.
Phía bên trên, khuôn mặt của Ginevra dường như được “tạo khung” bởi những chiếc lá xanh, nhọn của bụi cây bách xù. Theo nguyên tác, lá có màu xanh tươi hơn, nhưng đã bị phai ngả sang màu nâu theo thời gian (như chúng ta đang nhìn thấy hiện tại).
Ở thời phục hưng, cây bách xù là biểu tượng cho sự trong trắng – đức tính cao nhất của người phụ nữ. Đồng thời, đó cũng là chơi chữ khi đặt tên Ginevra – cây bách xù là “Ginepro” trong tiếng Ý.
Vào thời kì đó, các bức chân dung phụ nữ thường được đặt vẽ như một “thủ tục” của việc hứa hôn hoặc kết hôn. Chân dung đám cưới thường sẽ được vẽ theo cặp đôi, trong đó người phụ nữ sẽ ở bên phải và đánh mắt nhìn sang bên trái về phía hôn phu của mình. Chính vì lẽ đó, người ta cho rằng vì Ginevra quay mặt về bên phải nên có khả năng đây là bức tranh kỉ niệm lễ đính hôn của cô.
Nhìn xuống bên dưới trang phục, bạn sẽ thấy Ginevra cài một chiếc ghim vàng, và những dải ruy băng được buộc qua các mắt khuy cũng bằng vàng. Tuy nhiên người ta không thấy Ginevra đeo trang sức, đó là điểm kì lạ bởi phụ nữ thường sẽ luôn mặc trang phục và đep trang sức đẹp nhất trong bức chân dung hứa hôn của mình.
Sau này, các nhà nghiên cứu công bố rằng bức chân dung ban đầu có kích thước lớn hơn, với bàn tay của Ginevra được đặt nhẹ ở eo cô, và trên tay có cầm một bông hoa nhỏ (mà người ta cho rằng đó là hoa hồng). Trong các bức chân dung thời Phục Hưng, màu hồng thường tượng trưng cho sự tận tâm hoặc đức hạnh.
Điều đặc biệt là, Ginevra được sơn cả 2 mặt. Ở mặt sau của bức tranh, người ta thấy khẩu hiệu tiếng Latinh: “VIRTUTEM FORMA DECOAT” – có nghĩa là “VẺ ĐẸP TÔ ĐIỂM BỞI ĐỨC HẠNH.”
Ở giữa có một nhánh cây bách xù được bao quanh bởi vòng nguyệt quế và lá cọ - những thứ tượng trưng cho trí tuệ và đạo đức.
Người ta đồn đại rằng Bernardo Bembo – Đại sứ của Venice tại Florence chính là người đã đặt vẽ bức chân dung này. Mặc dù không có bằng chứng, nhưng “họ” nói rằng vòng nguyệt quế và cây cọ là biểu tượng cá nhân của Bernardo. Hơn thế nữa, đằng sau bức tranh, khi soi dưới đèn hồng ngoại, người ta nhìn thấy dòng chữ ẩn “VERTUS ET HONOR” – tạm dịch là “ĐỨC HẠNH VÀ DANH DỰ” – đây cũng chính là phương châm của Bernardo.
Dù bí ẩn nguồn gốc của bức tranh chưa từng được giải đáp, dù bức tranh có vẽ về ai thì nó cũng hoàn toàn chinh phục người xem bởi sự sống động như thật, thậm chí là hoàn toàn phá vỡ khuôn mẫu.
Các nhà nghiên cứu nghệ thuật nói rằng, ánh nhìn của Ginevra đã báo trước tương lai nhiều thập kỉ sau, Mona Lisa “ra đời”.
Để lại cho đời một di sản nghệ thuật đồ sộ, dù đã hơn 500 năm sau ngày qua đời, danh họa Leonardo Da Vinci vẫn là một bí ẩn chưa được giải mã hết. Hiện nay, Bảo tàng Louvre (Pháp) là nơi trưng bày nhiều tác phẩm hội họa của ông. Hãy cùng Hanoitourist đến Louvre, “gặp gỡ” Leonardo Da Vinci qua các công trình nghệ thuật phi thường của ông nhé.
Viết bởi: Nguyễn Hoàng Lan
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp