KIM CHI: LINH HỒN ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC
Trong những bộ phim truyền hình về các gia đình đông con, chúng ta thường thấy mọi người cùng nhau làm kim chi. Họ vừa xát gia vị lên cải thảo muối trong một chậu lớn, vừa hàn huyên vui vẻ. Có lẽ quá trình chế biến đó đã khiến món kim chi trở nên đặc biệt. Đôi khi chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng kim chi vẫn là một trong những linh hồn ẩm thực nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Hãy tưởng tượng một miếng kim chi để lên miếng cơm nóng hổi trong lúc chúng ta cùng tìm hiểu một số thông tin thú vị về kim chi.
Hồi ức làm kim chi
Ở phương Tây có súp gà là linh hồn ẩm thực thì ở Hàn Quốc có kim chi. Điều này không chỉ bởi kim chi là một trong nhiều loại thực phẩm truyền thống của Hàn Quốc, hay vì chứa nhiều chất dinh dưỡng như axit lactic, khoáng chất và vitamin mà chúng tôi gọi kim chi là “linh hồn ẩm thực” vì những kỉ niệm gắn liền với món ăn này.
Ngày nay, mua kim chi quanh năm là chuyện bình thường, nhưng vài năm trở về trước, gimjang hay còn gọi là công đoạn làm kim chi đã trở thành truyền thống hàng năm. Vào tháng 11 hoặc 12, các bà các mẹ sẽ chọn một ngày thích hợp để làm kim chi. Vào ngày hôm đó, cả gia đình sẽ xúm lại, cùng mang cải thảo ra, cắt nhỏ củ cải và trộn đều gia vị để làm kim chi. Quá trình làm kim chi diễn ra liên tục từ sáng đến chiều, nhưng thật thú vị khi phết lớp gia vị kim chi mới trộn lên trên lá cải thảo và cắn một miếng. Một khi cải thảo muối đã được xếp chồng ngăn nắp, mùi thơm của thịt lợn hấp sẽ tỏa đi khắp nhà. Điều này có nghĩa là phần việc nặng nhọc nhất đã kết thúc. Khi thịt đã chín tới, các bà mẹ sẽ cuốn thịt với kim chi và đút cho các con ăn. Đó là kí ức tuổi thơ mà tất cả 9x Hàn Quốc trở về trước đều có trong mình. Khoảnh khắc hạnh phúc khi hương vị của miếng kim chi cay và thịt lợn hấp hòa quyện vào nhau tạo nên kỉ niệm mãi in sâu trong tâm trí. Đối với người Hàn Quốc, kim chi là món ăn thể hiện tính hoài cổ cũng như mang nhiều ý nghĩa đặc biệt.
Lý do tại sao mỗi nhà lại có vị kim chi khác nhau?
Việc mỗi nhà có vị kim chi khác nhau cũng góp phần khiến kim chi trở thành linh hồn ẩm thực. Hương vị của kim chi tùy thuộc vào người làm và vùng sản xuất. Kim chi là loại thực phẩm lên men, giúp mọi người được ăn rau tươi ngay cả trong mùa đông lạnh buốt. Phương pháp bảo quản kim chi cũng thay đổi tùy thuộc vào môi trường xung quanh và khí hậu, tức là độ mặn và nguyên liệu cũng khác nhau. Ở miền Nam ấm áp, kim chi có vị mặn và cay để bảo quản được lâu. Tuy nhiên ở miền Bắc lạnh giá, kim chi không dễ lên men nên được cho ít muối và ớt đỏ và gia vị nêm nếm nhạt hơn, mang lại hương vị nhẹ nhàng. Kim chi cũng có hương vị khác biệt tùy thuộc vào vùng quê, sở thích và tay nghề của người làm. Ở tỉnh Gyeonggi-do, nguyên liệu làm kim chi đa dạng hơn vì thế dễ tìm rau rừng trên núi và hải sản dồi dào ở vùng biển Hoàng Hải gần đó. Về mặt địa lí, Gyeonggi-do nằm ở miền trung của đất nước nên hương vị không quá mặn hay nhạt.
Ngay cả người Hàn Quốc cũng không biết hết các loại kim chi
Có bao nhiêu loại kim chi? Ngay cả một người Hàn Quốc cũng không thể trả lời được câu hỏi này. Các loại kim chi khác nhau tùy theo khu vực, nhưng cũng có thể đưa ra những ý tưởng mới để chế biến ra loại mới.
Nói chung, kim chi được làm bằng các loại rau như cải thảo, củ cải, củ cải non, dưa chuột, lá tía tô, mù tạt cải bẹ xanh và tỏi tây, đồng thời sử dụng ớt đỏ, muối, đường, gừng, tỏi, hành lá và hải sản muối làm gia vị. Các loại kim chi phổ biến nhất có thể kể đến kim chi cải thảo, kim chi củ cải, kim chi lá củ cải non, kim chi cải bẹ xanh, kim chi hành lá, kim chi nước củ cải và kim chi dưa chuột.
Hi vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn phần nào thêm "hứng thú" và cảm giác "nhất định phải đến Hàn Quốc" để thưởng thức kim chi ở nhiều vùng khác nhau.
Hanoitourist có kho chương trình tour Hàn đặc sắc đang chờ đón bạn
Đăng bởi: Nguyễn Hoàng Lan
(Nguồn: KTO - Tổng Cục Du lịch Hàn Quốc)