CỘT CỜ LŨNG CÚ HÀ GIANG

04/06/2024 15:49:14 | Xem: 1185
Thời gian đọc: 1 phút

Cột cờ Lũng Cú nằm trên vùng đất địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, tồn tại như một nhân chứng của lịch sử, nơi đã cùng đất nước trải qua bao thăng trầm. Mang những giá trị thiêng liêng, cột cờ luôn mang đến cho du khách những xúc cảm vô cùng đặc biệt trong hành trình khám phá mảnh đất Hà Giang xinh đẹp.

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang sừng sững trên đỉnh ngọn núi, cùng lá cờ đỏ sao vàng tung bay, mang theo niềm tự hào dân tộc. Cột cờ còn là điểm neo đánh dấu sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

VỊ TRÍ ĐỊA LÍ

Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng (núi Long Sơn) – một ngọn núi đá vôi tuổi Cambri, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Giá vé tham quan cột cờ Lũng Cú: 20.000đ/người

Phương tiện di chuyển từ TP.Hà Nội tới TP.Hà Giang: Du khách có thể lựa chọn xe khách, limousine hoặc phương tiện cá nhân.

Giá vé xe khách tham khảo: 300,000đ

Giá vé xe limousine tham khảo: 250,000đ

Phương tiện di chuyển từ TP. Hà Giang tới cột cờ Lũng Cú: Bạn có thể thuê ô tô, tự lái ô tô hoặc xe máy để tới cột cờ. Dọc theo QL 4C, bạn sẽ đi qua thị trấn Quản Bạ, thị trấn Yên Minh, tiếp tục đi tới Đồng Văn.

Bạn nên sử dụng Google Maps để thuận tiện nhất trong quá trình di chuyển tự túc.

Những thông tin thú vị về cột cờ Lũng Cú

Được khởi công xây dựng vào năm 2001, cột cờ mang nhiều câu chuyện thú vị cũng như những giá trị được gửi gắm qua. Ý nghĩa của cột cờ Lũng Cú làm lay động trái tim mỗi người Việt bởi công trình biểu trưng cho ý chí kiên cường của những con người bám trụ tại vùng đất biên giới, ngày đêm canh giữ mảnh đất quê hương.

Cột cờ Lũng Cú cao bao nhiêu mét?

Nằm trên đỉnh núi cao 1.467m so với mực nước biển, cột cờ cao trên 30m, được làm từ gần 2 tấn thép, 8.000 viên gạch và khoảng 70m3 cát, đá. Từ cột cờ, du khách có thể quan sát được địa hình phân lớp vô cùng đặc biệt với các lớp đá trầm tích hệ tầng Chang Pung độc đáo.

Cột cờ Lũng Cú bao nhiêu bậc?

Để chinh phục cột cờ, du khách sẽ phải chinh phục 3 chặng đường với khoảng 839 bậc thang. Trong hành trình này, du khách sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để rồi ngỡ ngàng thu vào tầm mắt khung cảnh hùng vĩ nơi địa đầu Tổ quốc.

Diện tích lá cờ Lũng Cú

Câu chuyện về lá cờ 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tại cột cờ cũng mang tới cho du khách ghé thăm niềm tự hào mãnh liệt về tinh thần đoàn kết dân tộc. Lá cờ 54m2 ra đời lần đầu tiên vào năm 1978, trước cả khi cột cờ được xây dựng. Dưới sự tác động của thời gian, lá cờ hiện được giữ tại bảo tàng tỉnh Hà Giang. Địa điểm này đã trải qua nhiều lần tu sửa, duy chỉ có lá cờ vẫn luôn mang diện tích 54m2.

Lịch sử cột cờ Lũng Cú

Cột cờ được xây dựng lần đầu tiên tại mảnh đất này từ thời Lý Thường Kiệt, được làm bằng cây sa mộc, như một dấu mốc đánh dấu lãnh thổ dân tộc.

Năm 1887, thực dân Pháp định cắt phần đất này cho triều đình Mãn Thanh. Dưới sự đấu tranh của nhân dân ta để bảo vệ dáng hình Tổ quốc, đến năm 1978, đồn biên phòng Lũng Cú đã dựng được một cột cờ 10m bằng gỗ sa mộc.

Năm 2000, tỉnh Hà Giang quyết định xây dựng cột cờ tại vị trí ngày nay, cũng là nơi treo lá cờ năm xưa. Sau nhiều lần tu sửa, năm 2010, công trình được trùng tu, nâng cấp nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV, đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cột cờ Lũng Cú

Khám phá vùng đất Hà Giang, du khách không chỉ choáng ngợp với dòng Nho Quế quanh năm xanh biếc, đèo Mã Pí Lèng hiểm trở hay những đóa tam giác mạch mộc mạc, thơ mộng. Đặt chân lên cột cờ và cảm nhận tinh thần tự hào dân tộc tràn đầy trong về trong tim cũng là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.

Cột cờ Lũng Cú Hà Giang được thiết kế hình bát giác, chân cột cờ có gắn 8 tấm phù điêu đá xanh, minh họa những thời kỳ lịch sử đất nước, cùng như phong tục tập quán của người dân địa phương. Phía trên cột cờ gắn 8 mặt trống đồng.

Từ cột cờ, du khách sẽ bị thu hút mạnh mẽ bởi bức tranh thiên nhiên đầy ngoạn mục của núi rừng Đồng Văn. Xa xa là cao nguyên đá Đồng Văn – một trong những kiến tạo địa chất độc đáo bậc nhất Việt Nam, hai hồ nước giống như mắt rồng là vết tích của hai hố sụt karst từ xa xưa còn lại. Ngay dưới chân núi là cánh đồng Thèn Pả với màu vàng óng ả ngày lúa chín, những nếp nhà trình tường, lợp mái ngói âm dương cổ kính.

Kinh nghiệm check in Cột cờ Lũng Cú

Vào mỗi một thời điểm trong năm, khung cảnh quanh cột cờ lại có phần thay đổi. Du khách có thể tham khảo để lựa chọn thời điểm tham quan cột cờ:

Tháng 6, 7 là thời điểm những cánh đồng xanh mướt mắt, hòa cùng núi rừng xanh rì bao la bạt ngàn.

Tháng 9 những ngày lúa chín, khung cảnh là sự kết hợp của sắc vàng ấm áp, mang tới hy vọng về một mùa vụ bội thu, hòa trong không gian vào thu đã có chút se se lạnh.

Tháng 10, 11 là khi bạn có thể tới du lịch cột cờ Lũng Cú để nhìn ngắm thảm hoa tam giác mạch hồng phớt, rồi chuyển tím, chìm trong màn sương mù hư ảo.

Tháng 1, 2 những ngày xuân về trên bản, màu đào rừng phơn phớt, hay rừng mơ, mận trắng tinh khôi làm xiêu lòng du khách

Quá trình di chuyển lên tham quan cột cờ Lũng Cú khá cao và dốc, du khách nên lựa chọn giày thể thao để dễ dàng leo núi hơn. Vào mùa đông, thời tiết vùng cao rét đậm, bạn nên chuẩn bị đủ trang phục giữ ấm để đảm bảo sức khỏe suốt chuyến hành trình.

Các địa điểm du lịch Hà Giang gần cột cờ Lũng Cú

Hà Giang là sự hòa hợp giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của vùng đất địa đầu, cùng với đó là không gian văn hóa dân tộc đa màu sắc. Ghé thăm cột cờ, du khách có thể kết hợp tham quan thêm một số địa điểm khác thú vị không kém dưới đây.

Làng Lô Lô Chải

Nằm cách cột cờ chỉ khoảng 1.5 km, làng Lô Lô Chải có khoảng 90% dân cư là người dân tộc Lô Lô. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những nét văn hóa còn được lưu giữ lại, từ những nếp nhà trình tường mờ ảo trong khói bếp, hay các hoạt động nghề truyền thống thêu, làm mộc, các lễ hội truyền thống như cúng thần rừng, mừng lúa mới…

Chợ phiên Lũng Cú

Chợ phiên từ lâu đã là một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống thường nhật của người dân vùng núi Hà Giang. Không chỉ có thể tìm thấy những món hàng đậm nét văn hóa các dân tộc nơi đây, bạn còn có thể hiểu hơn cuộc sống nơi đông khi hòa chung vào một phiên chợ Lũng Cú náo nhiệt. Chợ nằm cách cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng 500m, nếu tới Hà Giang vào những ngày cuối tuần, đừng quên ghé phiên chợ đầy đặc biệt này nhé.

Cột mốc cực Bắc Việt Nam

Bạn có thể di chuyển thêm 3km từ cột cờ khoảng 3 km để tới tham quan điểm mốc cực Bắc cũng như tới đài vọng cảnh vùng trời bao la bát ngát. Đường lên cột mốc Lũng Cú khá khó đi, nhiều du khách thường tới đồn Biên Phòng Lũng Cú xin giấy phép, sau đó nhờ các chiến sĩ dẫn đường.

Phố cổ Đồng Văn

 

Với chỉ khoảng 40 hộ gia đình tạo thành một khu phố ẩn mình trong vách đá, phố cổ Đồng Văn như nơi thời gian lắng đọng, xóa nhòa đi khoảng cách giữa hiện tại và quá khứ. Những mái ngói âm dương phủ kín rêu phong đặc trưng cho các dân tộc vùng núi phía Bắc, nhiều nhà còn treo đèn lồng đỏ thơ mộng, tất cả tạo nên một không gian huyền ảo như “xuyên không” về thời xa xưa.

Dinh Vua Mèo

Nằm cách cột cờ Lũng Cú khoảng 30 km, Dinh thự Vua Mèo hay còn gọi là Dinh thự họ Vương gây ấn tượng với thiết kế kết hợp giữa 3 nền văn hóa: H’Mông, Pháp và Trung Quốc. Nằm dưới chân một thung lũng, văn nhà gồm 4 căn nhà ngang, 6 căn nhà dọc, tạo thành 3 khu vực dinh cùng kiến trúc bên trong cũng rất đặc biệt. Trải qua trăm năm tồn tại, nhưng những chi tiết bên trong vẫn gần như được giữ nguyên vẹn.

Cao nguyên đá Đồng Văn

Có niên đại khoảng 550 triệu năm, cao nguyên đá trải qua 7 thời kỳ địa chất này được UNESCO công nhận là công viên địa chất đầu tiên của Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á. Bản hùng ca từ đá tại đây được tạo ra bởi 11 hệ tầng, với các loại đá đủ hình thù, xếp nối tiếp tạo thành một công trình độc nhất vô nhị đầy độc đáo.

Nhà thơ Vũ Duy Thông từng viết trong một bài ký: “Là người Việt Nam, nếu chưa một lần được đứng trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó…”. Vậy để “lấp đầy” sự thiếu sót đó, còn chần chờ chi mà không xách balo tới chinh phục cột cờ Lũng Cú ngay thôi.

Viết bởi: Nguyễn Hoàng Lan

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp