CHỢ TÌNH KHAU VAI HÀ GIANG

13/06/2024 15:39:24 | Xem: 134
Thời gian đọc: 1 phút
CHỢ TÌNH KHAU VAI NGHĨA LÀ GÌ?

Làm sao có thể khước từ trước sự ngóng trông như của tình nhân cũ mong ta về lại chốn xưa như này đây! Bởi vậy, biết bao du khách chỉ chờ đến 27 tháng 3 Âm lịch để lên Hà Giang tham gia phiên chợ tình lãng mạn này.

Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành 'Khâu Vai'. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Lưu. Chợ được tổ chức duy nhất một ngày trong năm đó là ngày 27/03 âm lịch tại bản Khau Vai - xã Khâu Vai - tỉnh Hà Giang. Cách thành phố Hà Giang khoảng 180 km nằm về phía cuối con đường đèo.

Theo một số tài liệu ghi chép còn sót lại thì chợ đã tồn tại được khoảng hơn 100 năm nay bắt đầu từ năm 1919. Điểm độc đáo tạo nên sự nỗi tiếng có một không hai của chợ tình Khau Vai khi nơi đây không đơn giản chỉ là chợ hội họp, buôn bán đồ mà là nơi gặp gỡ, giao lưu của các chàng trai, cô gái.

LỊCH SỬ VÀ NGUỒN GỐC CỦA PHIÊN CHỢ TÌNH

Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của 2 người bị ngăn cấm. Họ đã đưa nhau lên hang trên núi Khau Vai để trốn, sống qua ngày. Vậy nhưng ở dưới bản, họ tộc cô Út vác cung, vác nỏ sang mắng chửi nhà trai đã đem cô bỏ nhà đi. Nhà trai cũng mang gậy, mang dao ra đánh chửi nhà gái. Từ hang trên núi, 2 người thấy cảnh họ hàng vì mình mà đâm chém nhau, họ đau lòng mà đành chia tay, trở về làm tròn bổn phận với gia tộc. Trước khi chia tay họ hẹn 27 tháng 3 âm lịch hàng năm sẽ lại đến Khau Vai hát cho nhau nghe, tâm sự về những chuyện xảy ra trong suốt một năm xa cách. Ở bên nhau hết đêm, ngày hôm sau họ sẽ lại về với cuộc sống thường ngày.

Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây, ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27 tháng 3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên 2 miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên.

Ban đầu chợ không phải để buôn bán sản phẩm gì, mà chỉ là nơi người ta tìm đến với nhau. Những người này có thể xa nhau do tình duyên trắc trở, gia đình ngăn cấm, hoặc những lý do khác mà không thể đến được với nhau, mỗi người đều ôm một đoạn tâm tư không dứt như truyền thuyết về đôi trai gái năm xưa. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Những đoạn tình đứt quãng này đều là quá khứ của mỗi người. Thế nên những người đã lập gia đình đến đây, vợ không ghen, chồng không ghen. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới.

Bởi vậy, chợ tình Khau Vai được đánh giá là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị mang đậm giá trị nhân văn tinh thần sâu sắc. Ngày nay, để phát triển các hoạt động du lịch, chợ tình Khau Vai đã được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan, trải nghiệm.

PHIÊN CHỢ TÌNH HỌP KHI NÀO?

Lễ hội Chợ Tình sẽ diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 25-27 tháng 03 âm lịch bao gồm nhiều hoạt động văn hóa khác nhau: lễ dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề Khau Vai, điểm hẹn của tình yêu đôi lứa... cùng nhiều hoạt động vui chơi đặc sắc như chọi chim Họa mi, giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian... Ngoài ra còn có những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản Hà Giang để du khách có thể mua về làm quà sau chuyền đi.

Nói đến du lịch Hà Giang mọi người thường nhắc đến lễ hội hoa Tam giác mạch, nhưng có lẽ mọi người đã quên rằng tại Hà Giang còn có một lễ hội nữa cũng nổi tiếng không kém đó chính là lễ hội của Chợ tình Khau Vai. Phiên chợ tình Khau Vai được xem là đặc sắc nhất của miền sơn cước. Chẳng thế mà biết bao văn sĩ đã có những vần thơ da diết viết cho phiên chợ đặc biệt này:

Đợi anh hết mùa lanh

Đợi anh qua mùa đào

Vượt đỉnh Mã Pí Lèng

Ta tìm về với chợ Tình Khâu Vai

Viết bởi: Nguyễn Hoàng Lan

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

 

Nếu bạn chưa thử trải nghiệm cuộc sống núi rừng Tây Bắc thì chần chừ gì nữa mà không xách balô lên và đến Hà Giang ngay thôi!

Bài viết liên quan