CẦU CỔNG VÀNG - GOLDEN GATE

30/07/2024 16:12:56 | Xem: 217
Thời gian đọc: 1 phút

Sau 80 năm, cầu Cổng Vàng vẫn đứng vững như thách thức thời gian. Kevin Starr, nhà sử học quá cố người California từng mô tả cầu Cổng Vàng là “biểu tượng toàn cầu, một kỳ quan về kỹ thuật và một tác phẩm nghệ thuật”.

Được khởi công tháng 1/1933 và khánh thành ngày 27/5/1937, Cầu Cổng Vàng là một công trình biểu tượng bắc ngang nút thắt cổ chai vịnh San Francisco, nối liền thành phố San Francisco ở mũi phía Bắc bán đảo San Francisco với hạt Marin gần thị trấn Sausalito ở phía Nam. Đây là cây cầu dây văng có tổng chiều dài 2,7 km, khoảng cách giữa các nhịp cầu là 1.280 mét, cách mặt nước 67 mét, còn hai tháp cầu có độ cao 230 mét tính từ mặt nước.

Trước khi có Cầu Cổng Vàng để đi lại giữa San Francisco và Hạt Marin ngày nay người ta vẫn phải di chuyển bằng phà là phương tiện chủ yếu. Thời điểm đấy người ta đã nghĩ đến cần có một chiếc cầu để nối San Francisco và vùng đất mới Hạt Marin, dự án này đã được ấp ủ từ rất lâu khoảng năm 1872 nhưng nó vẫn chưa được thực hiện.

Các chuyên gia xây dựng về cầu cũng cho rằng việc xây cầu là không thể vì mực nước ở đây rất sâu, sóng mạnh và xoáy, kèm theo gió biển giật đến 100 km/h đồng thời là một trong những vùng ảnh hưởng của động đất nên việc xây dựng cầu là không khả thi kèm theo một khoản chi phí xây dựng rất lớn ước tính thời điểm đó lên đến 100 triệu USD Mỹ.

Năm 1906 một trận động đất ở San Francisco làm 3.000 người chết chỉ cách vị trí dự định xây cầu 13 km. Chính vì những nguyên nhân này mà người ta phản đối việc xây dựng cầu.

Mãi tới năm 1929, dự án xây cầu mới chính thức được bắt đầu, phụ trách Thiết kế gồm Joseph Strauss, Irving Morrow và Charles Ellis. Vấn đề lớn nhất bây giờ là chi phí xây cầu sẽ được lấy từ đâu? Sự việc sụp đổ của chứng khoán Mỹ năm 1929 đã khiến vấn đề huy động kinh phí dành cho xây dựng cầu là không thể. Chính vì vậy, việc bán trái phiếu được phê duyệt và thời điểm đó là khoảng 30 triệu USD Mỹ.

Tuy nhiên vấn đề tiếp theo là không một tổ chức nào đứng ra mua số trái phiếu đó và phải đến tận năm 1930 nhà sáng lập Ngân hàng Mỹ Amadeo Giannini lúc này có trụ sở ở San Francisco đã đứng ra thay mặt ngân hàng đồng ý mua toàn bộ số trái phiếu của địa phương. Một công trình mang tính lịch sử, một di sản của San Francisco được bắt đầu từ đây.

Quá trình xây dựng Cầu Cổng Vàng rất gian nan và nguy hiểm. Được biết, kỹ sư trưởng Joseph Strauss lãnh đạo quá trình xây cầu từ đầu đến cuối. Cột trụ phía Nam được xây dựng dưới đáy biển sâu 33 mét. Giàn giáo xây dựng cột trụ này đã bị đổ hai lần: một lần do bị tàu vận tải đâm vào trong sương mù và một lần bị bão đánh sập.

Thêm nữa, do nước thủy triều chảy xiết trong eo biển, công việc dưới nước có thể chỉ trong thời gian thủy triều xuống thấp: bốn lần một ngày và mỗi lần chỉ kéo dài có... 20 phút. Để xây dựng móng cầu chịu được động đất và giông bão trên đáy biển đầy bùn, Joseph Strauss đã cho chế tạo một buồng thép không đáy khổng lồ và hạ xuống đáy biển.

Để ngăn không cho nước vào, buồng thép phải có áp suất cao hơn áp suất của nước ở độ sâu 33 m, khiến cho những người làm móng trụ cầu phải làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm, bị khó thở, chảy máu mũi, bị ngất và thậm chí bị liệt.

Sau hơn 4 năm lao động vô cùng gian nan vất vả, một cây cầu treo màu da cam dài 2,7 km sừng sững mọc lên, với dáng vẻ vô cùng duyên dáng thanh thoát mặc dù mang trên mình cả triệu tấn thép, người ta dùng hết 1,2 triệu đinh tán, 120.000 km dây cáp (được bện lại để chịu lực lớn). Cầu được khánh thành vào 27/5/1937 một ngày trọng đại của San Francisco ngay cả đích thân thị trưởng của San Francisco lúc bấy giờ cũng đến tham dự.

Một công trình mang tính bước ngoặt trong ngành giao thông ở San Francisco và mở ra một chương mới đối với nền kinh tế vùng lúc này, hoạt động thương mại diễn ra mạnh mẽ hơn, các nhà đầu tư cũng lần lượt kéo về mảnh đất San francisco để biến đô thị này trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của tiểu bang California.

Cây cầu là một ví dụ điển hình cho kỹ thuật xây cầu, cả về những thách thức trong khâu thiết kế, thiết lập kết cấu và sức hút về tính thẩm mỹ. Golden Gate Bridge được Hội kỹ sư dân dụng của Mỹ bình chọn là một trong những kỳ quan hiện đại của thế giới.

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CẦU CỔNG VÀNG

1. Đường kính của các sợi cáp treo chính là 0,91 mét. Vào thời điểm ra đời năm 1937, cầu Cổng Vàng được coi là cây cầu treo dài nhất thế giới, đồng thời, độ dài nhịp chính dài tới 1,2 km của Cầu Cổng Vàng đã giữ kỷ lục thế giới trong suốt 27 năm. Tuy nhiên xếp hạng này bị thay đổi vào ngày 21/11/1964 bởi cầu Verrazano Narrows ở New York.

2. Cái tên Chrysopylae hay là Golden Gate được kỹ sư trắc địa John C. Fremont đặt, bởi cây cầu này làm ông nhớ đến bến cảng Chrysoceras - Sừng Trâu Vàng - ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

3. Cầu Cổng Vàng - Golden Gate do kiến trúc sư Joseph Strauss - một kỹ sư đầy đam mê khát vọng, trước đó từng xây dựng 400 cây cầu trên khắp nước Mỹ. Quá trình thiết kế, xây dựng hết sức gian nan, nguy hiểm nhưng đó là “Khúc bi tráng cho đam mê và lòng dũng cảm”.

4. Cầu Cổng Vàng từng được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) đưa vào danh sách “Bảy kỳ quan của thế giới hiện đại” vào năm 1995, cùng với Empire State Building, Eurotunnel và Kênh đào Panama.

5. 19 người thoát chết trong quá trình xây dựng cầu đã được đưa vào danh sách thành viên danh dự của một tổ chức mang tên Half Way To Hell, tổ chức dành cho những người đã từng “chết hụt”.

6. Tổng thống F. Roosevelt chính thức nhấn vào một nút điện làm lễ thông xe, đánh dấu sự ra đời của một trong những cây cầu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại năm 1937.

7. Ngày nay, có khoảng 40 triệu lượt phương tiện đi qua cầu Cổng Vàng mỗi năm.

8. Cầu Cổng Vàng là cây cầu được lên sóng nhiều nhất trong các phim bom tấn.

KINH NGHIỆM THAM QUAN, CHỤP ẢNH TẠI CẦU CỔNG VÀNG

Người San Francisco khuyên du khách đi ngắm cầu Cổng Vàng vào lúc sáng sớm, xuyên qua công viên Presidio nằm dọc theo bờ biển. Đó là hành trình thú vị men theo các vách đá cheo leo, và trên con đường đó, du khách sẽ được ngắm nhìn cây cầu từ nhiều góc độ khác nhau.

Không có gì tuyệt vời hơn nếu du khách có cơ hội chứng kiến cây cầu huyền thoại này bị sương mù bao phủ. Trông rất huyền bí và phảng phất chút gì đó thật mơ hồ. Lúc này đây, cầu Cổng Vàng sẽ lộ ra từng khúc, từng khúc khi mặt trời nhô lên để rồi cuối cùng rực rỡ trong ánh nắng chan hòa, trên nền nước biển xanh ngắt.

Từ Cầu Cổng Vàng, du khách có thể dễ dàng đi thăm các điểm du lịch hấp dẫn khác trong thành phố San Francisco như công viên Cổng Vàng, khu phố Tàu, tòa cao ốc Transamerica Pyramid - một bản tuyên ngôn của nghệ thuật kiến trúc hiện đại.

“If you're going to San Francisco

Be sure to wear some flowers in your hair”

(Lời mở đầu bài hát cùng tên của nhạc sĩ John Phillips)

“Nếu tới San Francisco, hãy nhớ cài hoa lên tóc”, ghé vào khu Chinatown lớn nhất Bắc Mỹ và cuối cùng là tham quan Golden Gate Bridge - cây cầu vĩ đại và lãng mạn nhất thế giới.

Đăng bởi: Nguyễn Hoàng Lan

Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp

Bài viết liên quan